Hai 'ông lớn' ngành nhựa đua nhau lãi kỷ lục

10 tháng trước

CTCP Nhựa Bình Minh (mã chứng khoán BMP) vừa công bố báo cáo tài chính quý 4/2023 với doanh thu tăng nhẹ 3% so với cùng kỳ năm ngoái, lên mức 1.454 tỷ đồng. Giá vốn giảm nên biên lãi gộp được cải thiện từ mức nền thấp 34% cùng kỳ lên 41%; lợi nhuận gộp đạt 591 tỷ đồng, tăng 24,5. Do chi phí tài chính, chi phí hoạt động đều tăng nên kết quả, Nhựa Bình Minh lãi sau thuế 257 tỷ đồng, tăng 4% so với quý 4/2022.

Lũy kế năm 2023, công ty ghi nhận 5.156 tỷ đồng doanh thu, giảm 11% so với năm trước đó. Nhờ chi phí giá vốn bán hàng giảm mạnh hơn 28% (1.160 tỷ đồng) nên sau trừ thuế phí, công báo báo lãi kỷ lục 1.041 tỷ đồng, tăng 50% so với năm 2022.

Trước đó, CTCP Nhựa Thiếu niên Tiền Phong (mã chứng khoán NTP) cũng báo lợi nhuận kỷ lục. Cụ thể, trong quý 4/2023, công ty ghi nhận doanh thu thuần đạt 1.351 tỷ đồng, giảm khoảng 14% so với cùng kỳ năm 2022. Tuy nhiên giá vốn cũng giảm tới 26% nên biên lãi gộp quý của công ty tăng lên mức 33,2%, so với mức 21,9% của quý 4/2022. Nhờ vậy, lợi nhuận sau thuế của Nhựa Tiền Phong tăng 138%, đạt 165 tỷ đồng.

Lũy kế năm 2023, NTP đạt 5.176 tỷ đồng doanh thu, giảm 9% so với 2022, song lợi nhuận sau thuế tăng 16,5% lên mức kỷ lục 559 tỷ đồng - cao nhất kể từ khi niêm yết năm 2006.

Cả hai doanh nghiệp nhựa dân dụng đều báo lãi đậm trong bối cảnh giá đầu vào PVC giảm mạnh và tiếp tục đi ngang tại đáy do nhu cầu vật liệu này trên toàn thế giới đi xuống. Khi giá đầu vào giảm, các công ty sản xuất ống nhựa có xu hướng giảm giá cho đại lý phân phối, khuyến khích các đại lý tích lũy thêm sản phẩm.

Trong báo cáo triển vọng 2024, Chứng khoán FPT (FPTS) cho rằng biên lợi nhuận gộp ngành nhựa năm 2024 sẽ giảm 4,3 điểm phần trăm so với mức đỉnh của năm 2023 do giá hạt nhựa dự báo phục hồi trong năm 2024 khi nhu cầu trên thế giới dần cải thiện. Tuy nhiên biên lợi nhuận ngành này sẽ vẫn đạt mức cao khoảng 30,8%, so với mức trung bình 25,3% của giai đoạn 2018-2022.

Theo FPTS, hiện nay giá bán ống nhựa trung bình đang ở mức 56 triệu đồng/tấn, cao hơn khoảng 24% so với giai đoạn trước năm 2021 dù nhu cầu tiêu thụ ảm đạm. Vì vậy, các doanh nghiệp lớn nhiều khả năng phải hạ giá bán để cạnh tranh và giữ thị phần. "BMP có khả năng duy trì mức giá bán cao như hiện nay vì doanh nghiệp có vị thế vững chắc tại miền Nam và hệ thống phân phối lớn sẵn có", FPTS nêu nhận định.

Năm 2024, FPTS dự phóng sản lượng tiêu thụ mảng nhựa xây dựng sẽ khả quan hơn, tăng trưởng khoảng 8,5% so với mức nền thấp của 2023. Kỳ vọng đến từ sự tăng trưởng của mảng xây dựng nhà ở khi nhóm khách hàng bất động sản dần hồi phục trong năm 2024 nhờ áp lực lãi vay giảm.

Nhu cầu ống nhựa khả năng sẽ cải thiện từ quý 2 tới và tăng trưởng rõ nét hơn trong nửa cuối năm. Tuy nhiên, cần lưu ý mức sản lượng tiêu thụ này chưa phục hồi hoàn toàn về mức cao của giai đoạn 2019-2020 vì ngành bất động sản vẫn chưa thực sự thoát khỏi các khó khăn.

Nhìn chung, đơn vị phân tích nhận định, tỷ suất lợi nhuận sau thuế 2024 của các doanh nghiệp nhựa dự kiến sụt giảm so với mức cao của 2023 theo đà giảm của biên lợi nhuận gộp khi các doanh nghiệp lớn đang chịu áp lực giảm giá bán để duy trì năng lực cạnh tranh và dự phóng giá hạt nhựa đầu vào phục hồi.

Chia sẻ lên

Tin đọc nhiều nhất

ĐỂ NHẬN TIN TỨC VÀ KHUYẾN MÃI TỪ CHÚNG TÔI