Vì sao giao thương nhiều nhất với Trung Quốc và Nga, nhưng quốc gia ‘nằm lọt thỏm’ giữa 2 ông lớn này vẫn thích đô la Mỹ hơn rúp, nhân dân tệ

1 tháng trước

Bài viết thể hiện quan điểm của Tiến sĩ Antonio Graceffo – nhà kinh tế và chuyên gia phân tích về Trung Quốc. Ông đã hoàn thành chương trình nghiên cứu sau tiến sĩ về thương mại quốc tế tại Trường Đại học Kinh tế thuộc Đại học Thượng Hải, Trung Quốc. Antonio là tác giả của 7 cuốn sách về châu Á, chủ yếu tập trung vào kinh tế Trung Quốc.

Một số thông tin gần đây cho biết Mông Cổ và Nga hiện đang giao thương bằng đồng rúp và nhân dân tệ Trung Quốc nhằm giảm phụ thuộc vào đồng đô la Mỹ.

Tuy nhiên, theo Tiến sĩ Antonio Graceffo, chuyên gia phân tích kinh tế Trung Quốc, đô la Mỹ vẫn là đồng tiền thương mại quốc tế chính đối với hầu hết các quốc gia, kể cả Mông Cổ.

Thương mại quốc tế gần như không được định giá bằng các loại tiền tệ khác ngoài đồng bạc xanh để giảm thiểu tác động của sự biến động của các cặp tiền tệ.

Một số quốc gia đang dần từ bỏ việc sử dụng đồng đô la trong thương mại, tiêu biểu là Nga. Do các lệnh trừng phạt của Mỹ và các nước phương Tây, Nga phải sử dụng đồng rúp và nhân dân tệ trong thương mại với Trung Quốc. Tuy vậy, do lo ngại lệnh trừng phạt của Mỹ, các ngân hàng Trung Quốc trong vòng hơn 1 tháng trở lại đây đã từ chối từ chối chấp nhận chuyển khoản thanh toán trực tiếp từ Nga đến Trung Quốc.

Trở ngại mà Nga gặp phải chứng tỏ rằng các quốc gia nhìn chung vẫn sẽ ưa chuộng giao dịch và nắm giữ đồng đô la Mỹ hơn và sẽ chỉ từ bỏ đồng bạc xanh khi bị buộc phải làm như vậy. Bất chấp mọi cuộc thảo luận giữa Nga, Trung Quốc và các thành viên BRICS về việc phi đô la hóa, đồng đô la vẫn chiếm 58% tổng dự trữ ngoại hối toàn cầu, 54% trong thanh toán thương mại và 88% tổng giao dịch các cặp tiền tệ.

Mông Cổ – quốc gia nội lục nhỏ hoàn toàn bị kẹp giữa Trung Quốc và Nga, không chịu lệnh trừng phạt như Nga. Do đó, nước này vẫn sẽ ưa chuộng giao dịch bằng đô la Mỹ dù cả Nga và Trung Quốc là đối tác thương mại quan trọng nhất của Mông Cổ.

Mặt hàng xuất khẩu lớn nhất của Mông Cổ là than đá và kim loại – vốn thường được định giá và giao dịch bằng đồng đô la. Vì vậy, xuất khẩu là một cách thức để mang đồng bạc xanh về. Ngân hàng Trung ương Mông Cổ cần đô la Mỹ để thực hiện các hoạt động thị trường mở và hỗ trợ đồng nội tệ là tughrik (MNT). Quốc gia này dự trữ đô la Mỹ và cũng cần đô la Mỹ để trả nợ nước ngoài.

Ngoài ra, đô la Mỹ cũng cần thiết để chuyển lợi nhuận về nước cho các nhà đầu tư, mua thiết bị mới phục vụ các mỏ khai thác và trả lương cho chuyên gia nước ngoài trong lĩnh vực khai khoáng và các lĩnh vực quan trọng khác.

Ngoài xuất khẩu khoáng sản, len cashmere, thịt, sữa và da, Mông Cổ sản xuất được rất ít thành phẩm và buộc phải nhập khẩu các mặt hàng thiết yếu như dầu gội đầu, thực phẩm đóng gói, rau và trái cây từ nước ngoài. Những hàng nhập khẩu này phải được thanh toán bằng đô la Mỹ.

Đồng tughrik không có tính chuyển đổi cao và liên tục mất giá trong 4 năm qua. Vì vậy, các bên xuất khẩu không chấp nhận tughrik để thanh toán cho hàng nhập khẩu của Mông Cổ.

Trong khi giao dịch với Nga bằng đồng rúp sẽ khiến đồng tiền tughrik trở nên vô giá trị đối với các hoạt động thương mại quốc tế khác, việc Mông Cổ chấp nhận một số lượng ít đồng nhân dân tệ để xuất khẩu khoáng sản sang Trung Quốc có thể hiệu quả nếu hàng nhập khẩu từ Trung Quốc cũng được thanh toán bằng nhân dân tệ. Tuy nhiên, nắm giữ nhiều đồng nhân dân tệ là không thực tế do tính chất bán chuyển đổi của đồng tiền Trung Quốc.

Thực tế cho thấy thương mại giữa Mông Cổ với Nga và Trung Quốc vẫn tiếp tục chủ yếu bằng đô la Mỹ. Việc sử dụng đồng nhân dân tệ có thể tăng lên phần nào, nhưng phần lớn Mông Cổ cần tiếp tục giao dịch bằng đô la. Vị trí chiến lược của Mông Cổ khi nằm giữa Nga và Trung Quốc mang lại cả cơ hội và thách thức cho nước này. Trong khi phụ thuộc vào đồng đô la Mỹ trong thương mại mang lại sự ổn định và khả năng tiếp cận thị trường toàn cầu, Mông Cổ cũng phải cân bằng ảnh hưởng kinh tế từ các nước láng giềng.

Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI), Hành lang Kinh tế Trung Quốc-Mông Cổ (CMEC) và Đường ống dẫn khí Sức mạnh Siberia 2 kết nối Nga và Trung Quốc thông qua Mông Cổ, đã thúc đẩy đầu tư và phát triển cơ sở hạ tầng ở Mông Cổ cũng như mối quan hệ giữa 3 nền kinh tế. Mối quan hệ này khuyến khích một số giao dịch bằng đồng nhân dân tệ, đặc biệt đối với các giao dịch liên quan trực tiếp với đầu tư của Trung Quốc.

Tuy nhiên, Mông Cổ vẫn thận trọng về việc phụ thuộc quá nhiều vào đồng nhân dân tệ do khả năng bán chuyển đổi của nó và đòn bẩy kinh tế đối với Trung Quốc.

Đồng thời, mối quan hệ lịch sử và kinh tế của Mông Cổ với Nga cũng đòi hỏi cân nhắc kỹ lưỡng các giao dịch bằng đồng rúp, đặc biệt là khi đồng rúp không được chấp nhận rộng rãi trên toàn cầu.

Do đó, các chính sách kinh tế của Mông Cổ phản ánh hành động cân bằng giữa việc tận dụng các cơ hội trong khu vực và duy trì chủ quyền kinh tế thông qua thương mại dựa trên đồng đô la Mỹ.

 

Chia sẻ lên

Tin đọc nhiều nhất

ĐỂ NHẬN TIN TỨC VÀ KHUYẾN MÃI TỪ CHÚNG TÔI