Nguy cơ đối với sức khỏe con người từ hạt vi nhựa
9 months ago
Mặc dù các hạt vi nhựa nhỏ đến mức mắt thường không thấy được, nhưng chúng lại đang được các nhà khoa học trên toàn cầu chú ý đến. Bà Khay Fong, giảng viên cao cấp Khoa Hóa, trường Đại học Monash (Australia) cho biết trong quá trình nghiên cứu, nhóm của bà đã tìm thấy hạt vi nhựa ở mọi nơi mà họ đến, và đó là điều khiến họ thực sự sốc.
Hạt vi nhựa là những hạt nhựa nhỏ, có kích thước chưa đến 5 mm, bị thải ra môi trường do sự phân hủy của các sản phẩm nhựa. Nghiên cứu cho thấy con người ăn phải hạt vi nhựa qua hải sản bị ô nhiễm, nhưng đó không phải là cách duy nhất chúng có thể xâm nhập cơ thể. Ngoài đại dương, hạt vi nhựa xâm nhập đất đai, không khí, nước máy và đồ uống đóng chai. Các nhà khoa học đã tìm thấy hạt vi nhựa trong máu và thậm chí cả nhau thai người.
Nhóm nghiên cứu của bà Fong đã rà soát cảng Sydney để xác định quy mô ô nhiễm tại một trong những tuyến đường biển mang tính biểu tượng nhất thế giới. Họ phát hiện ra các mẫu thử đều chứa rất nhiều nhựa. Trong khi đó, các nhà nghiên cứu thuộc Đại học Queensland (Australia) cũng đã thu thập các mẫu trầm tích bề mặt từ 50 địa điểm trên Vịnh Moreton ở thành phố Brisbane của quốc gia châu Đại Dương này. Ông Elvis Okoffo, Trưởng nhóm nghiên cứu thuộc Liên minh Khoa học Sức khỏe Môi trường, Đại học Queensland, cho biết họ cũng tìm thấy hạt vi nhựa ở tất cả các địa điểm này. Sau khi phân tích các mẫu thu được tại phòng thí nghiệm, các nhà nghiên cứu đã đưa ra một con số đáng kinh ngạc, đó là có khoảng 7.000 tấn vi nhựa trong Vịnh Moreton. Con số này tương đương với 1,5 triệu túi nhựa, có thể lấp đầy 3 bể bơi tiêu chuẩn Thế vận hội. Các loại nhựa chính được phát hiện là polyethylene, thường có trong các mặt hàng sử dụng một lần như túi nhựa, chai lọ và màng bọc thực phẩm; cùng với polyvinyl chloride, được sử dụng để làm đường ống, vật liệu xây dựng, đồ điện tử và quần áo. Ông nhấn mạnh: “Điều đó thực sự cho thấy có mối liên hệ trực tiếp giữa lượng nhựa được tiêu thụ ở Australia và lượng nhựa bị thải ra môi trường”.
Mặc dù hạt vi nhựa có mặt khắp mọi nơi trong môi trường, nhưng các nhà khoa học vẫn chưa hiểu đầy đủ về tác động trực tiếp và lâu dài của chúng đối với sức khỏe con người. Bà Cassandra Rauert, một nhà nghiên cứu cao cấp khác của Liên minh Khoa học Sức khỏe Môi trường thuộc Đại học Queensland cho biết: “Chắc chắn, chúng ta bị phơi nhiễm hàng ngày. Chúng ta đang hít phải nhựa mỗi ngày và đang nuốt chúng qua thức ăn và nước uống”. Bà Rauert đang phụ trách một cuộc nghiên cứu về nguy cơ con người tiếp xúc với hạt vi nhựa. Nhóm của bà đang tìm cách xác định xem liệu chúng có thể đi qua cơ thể con người hay chúng có thể xâm nhập vào máu và các cơ quan trong cơ thể con người hay không. Bà cho biết nhóm của bà vẫn đang ở trong giai đoạn đầu tìm hiểu nên chưa thể đưa ra bất kỳ kết luận nào vào thời điểm này. Tuy nhiên, nhóm của bà đang phát triển các phương pháp mới thực sự có thể giúp lấp đầy khoảng trống kiến thức và trả lời những câu hỏi nêu trên.
Bà Rauert cho biết sợi tổng hợp, được sử dụng trong một số loại quần áo, là một trong hai nguồn phát tán hạt vi nhựa lớn nhất. Nếu những sợi nhỏ này rơi ra khỏi quần áo, con người có thể hít phải chúng. Vì vậy, bà khuyên nên sử dụng quần áo sợi cotton thay vì áo sợi polyester.
Nguồn thứ hai phát tán hạt vi nhựa là lốp xe, khi các mảnh nhựa siêu nhỏ rơi ra khỏi lốp khi xe chạy. Bà Rauert cho rằng việc giảm số lượng xe hơi trên đường sẽ giúp ích cho môi trường theo nhiều cách khác nhau. Vì vậy, bà khuyên nên bắt xe buýt nếu có thể hoặc đi xe đạp. Việc hạn chế sử dụng đồ nhựa dùng một lần cũng có thể giúp con người giảm tiếp xúc với hạt vi nhựa. Bà Rauert cho biết nghiên cứu hiện tại của bà cho thấy những loại vật dụng bằng nhựa như vậy, chẳng hạn như hộp đựng thức ăn mang đi, chai nước dùng một lần… thải ra môi trường rất nhiều hạt nhựa nhỏ. Vì vậy, bà khuyến cáo nên tránh sử dụng những loại vật dụng bằng nhựa đó để giúp giảm lượng nhựa có trong thực phẩm. Bà cho rằng tất cả những điều nhỏ nhặt đó có thể tạo nên sự khác biệt lớn.
Most read news
10 months ago
8 months ago
10 months ago
9 months ago
8 months ago
9 months ago
10 months ago
8 months ago
8 months ago
8 months ago
5 months ago
4 months ago
4 months ago
3 months ago
3 months ago
3 months ago
3 months ago
2 months ago
2 months ago
1 month ago
1 month ago
1 month ago
1 month ago
1 month ago
1 month ago