Ngành nhựa kỳ vọng tăng trưởng xuất khẩu 4%
6 months ago
Bà Huỳnh Thị Mỹ, Tổng Thư ký Hiệp hội Nhựa Việt Nam.
Kỳ vọng tăng trưởng xuất khẩu
Trả lời Nhadautu.vn, bà Huỳnh Thị Mỹ, Tổng Thư ký Hiệp hội nhựa Việt Nam nhận định, xuất khẩu sản phẩm nhựa đang có những tín hiệu tích cực trong 2 tháng đầu năm.
"Tổng giá trị xuất khẩu sản phẩm nhựa của năm 2023 là 5,2 tỷ USD. Chúng tôi kỳ vọng năm 2024, con số này sẽ tăng khoảng 4% (tương đương 5,5 tỷ USD - PV). Hiện tại, các thị trường xuất khẩu đang khắt khe hơn về yếu tố môi trường, đòi hỏi tín chỉ carbon, công nghệ tái chế. Điều này buộc các doanh nghiệp nhựa trong nước phải thích ứng và cải tiến, để không bị đứt gãy đơn hàng, trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng lớn", bà Mỹ cho biết.
Đại diện Hiệp hội Nhựa cho biết, hiện có gần 4.000 doanh nghiệp nhựa trên cả nước, trong đó, các doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm đến 90%. Không nằm ngoài xu thế chung của thế giới, năm 2023 là một năm đầy khó khăn, kim ngạch xuất khẩu sản phẩm nhựa của Việt Nam trong năm 2023 đạt 5,2 tỷ USD, giảm 5,7% so với năm 2022. Nguyên liệu nhựa nhập khẩu năm 2023 đạt 6,8 triệu tấn giảm 4,2% so với 2022. Doanh thu ngành năm 2023 đạt 25 tỷ USD, giảm khoảng 0,7% so với cùng kỳ năm 2022.
Trên thực tế, các doanh nghiệp đang đối mặt với những thách thức lớn. Vấn đề ô nhiễm nhựa, chính sách giảm thiểu sử dụng nhựa nguyên sinh và tăng cường sử dụng nhựa tái chế trên toàn cầu trong thời gian tới sẽ tạo ra rất nhiều cơ hội kinh doanh cũng như thách thức cho các doanh nghiệp trong ngành.
Các khách mời tham quan và trải nghiệm sản phẩm nhựa tái chế.
Đẩy mạnh tái chế, phát triển bền vững
Theo bà Mỹ, Hiệp hội sẽ là cầu nối để doanh nghiệp tiếp cận tốt hơn với các doanh nghiệp quốc tế, thiết bị và công nghệ, nhằm hỗ trợ doanh nghiệp tìm kiếm đơn hàng, thúc đẩy sản xuất. Bản thân doanh nghiệp cũng cần tìm kiếm công nghệ mới, nguyên vật liệu mới phù hợp, thân thiện với môi trường để có thể đáp ứng được xu hướng phát triển kinh tế tuần hoàn, hướng đến sự bền vững và thân thiện với môi trường, đáp ứng xu thế chung toàn cầu.
Đơn cử như IGREEN. Ông Đoàn Văn Tùng, Công ty Cổ phần công nghệ phát triển IGREEN cho biết "Hiện nay, công ty đang áp công nghệ tạo hạt nhựa phân hủy sinh học IGREEN là công nghệ mới nhất về tạo hạt nhựa. Trong đó, hạt nhựa phân hủy sinh học IGREEN có vòng tròn sử dụng thân thiện với môi trường. Đồng thời, công nghệ này cũng đáp ứng được các tiêu chuẩn, tín chỉ của các nước trên thế giới như đạt tiêu chuẩn quốc tế EN 13432, ASTM D6400, có nguồn gốc thực vật tái tạo trong tự nhiên, phân hủy sinh học hoàn toàn, gia công trên máy thổi màng PE…"
Một tên tuổi lớn trong ngành nhựa là Duy Tân cũng không nằm ngoài xu thế. Trả lời báo chí, ông Lê Anh, Giám đốc phát triển bền vững của Công ty CP Nhựa tái chế Duy Tân cho biết hoạt động tái chế nhựa tại Việt Nam không mới. Tuy nhiên, với những công nghệ cũ, lượng nhựa tái chế ra vẫn có nguy cơ gây ô nhiễm không khí và nguồn nước.
Đây là động lực thôi thúc Duy Tân đầu tư xây dựng nhà máy đầu tiên tại Việt Nam ứng dụng công nghệ "Bottle to Bottle"; trong đó mỗi chai nhựa đã qua sử dụng sẽ được tái chế thành các hạt nhựa để dùng làm đầu vào sản xuất những chai nhựa mới, giúp giảm sử dụng nguồn nguyên liệu hóa thạch.
Khởi công xây dựng từ tháng 6/2019, nhà máy nhựa Duy Tân có diện tích 65.000 m2 tại Cụm công nghiệp nhựa Đức Hòa Hạ, tỉnh Long An. Hiện nhà máy có công suất sản xuất 30.000 tấn nhựa/năm, kế hoạch giai đoạn 2 sẽ nâng công suất xử lý lên 60.000 tấn nhựa/năm, tương đương 4,6 tỷ chai nước sẽ được tái chế.
Theo đại diện nhựa Duy Tân, trong khi nhiều người vẫn nghĩ tái chế là hành động mang tính trách nhiệm thì trên thế giới, đây là một thị trường tiềm năng với nhiều cơ hội hấp dẫn. Từ chỗ phải bỏ đi, rác thải đã trở thành nguồn tài nguyên đầu vào cho nhiều hoạt động sản xuất. Như tại Duy Tân, hạt nhựa tái sinh của công ty đáp ứng các tiêu chuẩn của Cục Quản lý thực phẩm và dược phẩm Hoa Kỳ (FDA), chứng nhận từ Cơ quan An toàn Thực phẩm Châu Âu (EFSA), phù hợp để sản xuất bao bì cho ngành thực phẩm, bao gồm cả nước uống.
Ông Lê Anh đánh giá ngành công nghiệp tái chế tại Việt Nam đang bước đầu hình thành, thể hiện qua sự quy tụ của các hiệp hội tái chế bao bì giấy, kim loại, thủy tinh, nhựa,…từ đó mang tới kỳ vọng về một môi trường xanh, sạch hơn. Tuy nhiên, một thực trạng không chỉ tồn tại ở Việt Nam mà còn phổ biến ở các quốc gia Đông Nam Á khác, đó là hoạt động phân loại rác thải tại nguồn chưa tốt.
Dữ liệu từ Future Market Insight chỉ ra, quy mô thị trường nhựa Việt Nam ước tính đạt 10,92 triệu tấn vào năm 2024 và dự kiến sẽ đạt 16,36 triệu tấn vào năm 2029, tăng trưởng với tốc độ CAGR đạt 8,44% trong giai đoạn 2024 – 2029 (Mordor Intelligence, 2023). Dù những ảnh hưởng của tình hình kinh tế toàn cầu lên ngành nhựa là không thể phủ nhận, các chính sách kích cầu và hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp đã góp phần duy trì mức tăng trưởng của ngành nhựa Việt Nam. Trong một vài năm tới, phân khúc nhựa xây dựng được dự báo sẽ thúc đẩy sự tăng trưởng của ngành, chiếm khoảng 1/4 tổng ngành nhựa. Bên cạnh đó, ngành bao bì nhựa cũng sẽ được hưởng lợi từ sự tăng trưởng của các nhóm hàng tiêu dùng nhanh, nổi bật là ngành sản xuất chai nhựa, với doanh số bán chai nhựa tại Việt Nam dự kiến đạt 1,126.5 triệu USD vào năm 2033.
Triển lãm quốc tế lần thứ 11 về công nghệ, nguyên phụ liệu và thiết bị máy móc ngành Nhựa và Cao su Việt Nam – Plastics & Rubber Vietnam 2024 do Informa Market Việt Nam kết hợp Messe Düsseldorf Asia tổ chức từ 13/3 - 15/3 tại TP.HCM. Đại diện Hiệp hội Nhựa đánh giá, đây là cơ hội quan trọng để doanh nghiệp có thể tiếp cận những thiết bị, công nghệ hiện đại nhất đến từ những tập đoàn hàng đầu trên thế giới, kết nối, xây dựng quan hệ đối tác kinh doanh và cập nhật các xu hướng, kiến thức ngành hữu ích.
Most read news
9 months ago
7 months ago
6 months ago
6 months ago
7 months ago
8 months ago
6 months ago
6 months ago
6 months ago
4 months ago
2 months ago
1 month ago
2 months ago
1 month ago
1 month ago
1 month ago
3 weeks ago
3 weeks ago