EVFTA - CƠ HỘI VÀ THÁCH THỨC CHO NGÀNH NHỰA VIỆT NAM

2 months ago

1. Hưởng lợi cả xuất khẩu và nhập khẩu

Hiện nay, các sản phẩm nhựa của Việt Nam đang có mặt tại gần 160 thị trường trên thế giới. Theo Báo cáo Xuất nhập khẩu Việt Nam 2021 của Bộ Công Thương, mặc dù bị tác động tiêu cực của Covid-19, nhưng năm 2021, kim ngạch xuất khẩu sản phẩm nhựa của Việt Nam vẫn đạt 4,93 tỷ USD, tăng 34,9% so với năm 2020. Trong đó, EU là 1 trong những thị trường có lượng đơn hàng nhập khẩu tăng liên tục từ nhà cung ứng nhựa Việt Nam. Năm 2021, xuất khẩu nhựa sang EU đạt 557,68 triệu USD, tăng 21,73%.

Theo chuyên gia của Trung tâm WTO và hội nhập - VCCI, ngành nhựa Việt Nam có nhiều thuận lợi khi xuất khẩu sang EU. Đó là có năng lực cạnh tranh tốt ở một số dòng sản phẩm như bao bì, đồ gia dụng và nhiều doanh nghiệp đã đầu tư vào công nghệ để cho ra được các sản phẩm đáp ứng yêu cầu cao của các thị trường khó tính như EU. Ngoài ra, so với nhiều đối thủ cạnh tranh, nhựa Việt Nam có một số ưu thế như có giá cả cạnh tranh hơn do có nguồn nhân lực giá rẻ dồi dào, được hưởng thuế quan ưu đãi GSP của EU, khả năng tiếp cận với nguồn nguyên liệu tái chế giá rẻ (do chính sách quản lý nhập khẩu nhựa tái chế của Việt Nam còn tương đối thoáng).

Đáng chú ý, với Hiệp định EVFTA có hiệu lực từ ngày 1/8/2020, toàn bộ các sản phẩm nhựa của Việt Nam xuất khẩu sang EU được hưởng thuế 0%. Hiện tại trong khu vực ASEAN chỉ có Singapore đã có FTA với EU, nhưng nước này xuất khẩu nhựa không đáng kể sang EU. Như vậy, EVFTA sẽ giúp cho các sản phẩm nhựa Việt Nam có lợi thế cạnh tranh đáng kể khi tiếp cận thị trường EU với mức thuế 0%, trong khi rất ít các đối thủ cạnh tranh khác được hưởng mức thuế này.

Không chỉ xuất khẩu, với EVFTA, ngành nhựa Việt Nam còn được hưởng lợi cả về nhập khẩu từ thị trường EU. Việt Nam xuất khẩu chủ yếu là thành phẩm nhựa sang EU và nhập khẩu chủ yếu là nguyên liệu, bán thành phẩm nhựa từ EU để phục vụ sản xuất và xuất khẩu sản phẩm nhựa và các sản phẩm khác (điện tử, dệt may, giày dép…).

Trong khi đó, ngành công nghiệp nhựa của EU rất phát triển, cả ở mảng nhựa nguyên liệu và thành phẩm, thể hiện trong cơ cấu xuất khẩu của EU khá đồng đều.

2. Thách thức đối ngành nhựa

Đi cùng với cơ hội, EVFTA cũng tạo ra những thách thức đối với ngành nhựa Việt Nam. Để được hưởng ưu đãi thuế quan EVFTA, sản phẩm nhựa của Việt Nam phải đáp ứng được quy tắc xuất xứ của Hiệp định. Quy tắc xuất xứ đối với các sản phẩm nhựa trong EVFTA là chuyển đổi Nhóm (với linh hoạt 20%) hoặc nguyên liệu không có xuất xứ có giá trị không vượt quá 50%. Để đáp ứng được quy tắc này, các doanh nghiệp nhựa chỉ được sử dụng một phần nguyên liệu ngoài EU/Việt Nam. Tuy nhiên, hiện tại nguồn nguyên liệu nhựa của Việt Nam vẫn chủ yếu nhập khẩu từ Trung Quốc và một số nước châu Á khác, nên việc đáp ứng được quy tắc xuất xứ này sẽ là 1 thách thức đối với các doanh nghiệp Việt Nam.

Ngoài ra, các quy định nhập khẩu và thị hiếu người tiêu dùng EU cũng là những lưu ý đối với doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam. Bởi bên cạnh các quy định nhập khẩu chính thức của EU, các doanh nghiệp còn phải đáp ứng các quy định, yêu cầu riêng của các nhà nhập khẩu EU, như một số nhà nhập khẩu sẽ yêu cầu thêm doanh nghiệp xuất khẩu nhựa phải có chứng nhận ISO TC6. Hay người tiêu dùng EU sẽ chỉ lựa chọn các sản phẩm nhựa được làm từ các chất liệu và theo kích thước mà họ ưa chuộng...

Đơn cử như đối với thị trường Bắc Âu, bà Nguyễn Thị Hoàng Thúy – Tham tán thương mại Việt Nam tại Thụy Điển (kiêm nhiệm Đan Mạch, Phần Lan, Iceland, Na Uy, Lativa) - cho rằng, thách thức chính đối với nhựa Việt Nam là vấn đề phát triển bền vững, bảo vệ môi trường. Các nước Bắc Âu vốn nổi tiếng với tiêu dùng các sản phẩm bền vững, bảo vệ môi trường, đặc biệt là Thụy Điển - với lượng nhập khẩu hàng năm khá lớn. Người tiêu dùng nơi đây sẵn sàng trả giá cao cho sản phẩm thân thiện và bền vững môi trường. Trong khi đó, Việt Nam chưa có đủ nguồn lực cũng như kinh nghiệm để quản lý các vấn đề này.

Ngoài ra, các doanh nghiệp sản xuất nhựa Việt Nam cũng cần chú ý về nguy cơ các biện pháp phòng vệ thương mại gia tăng; áp lực cạnh tranh; gia tăng chi phí cho doanh nghiệp từ các cam kết về phát triển bền vững trong EVFTA...

EU là thị trường khó tính và đã tồn tại rất nhiều đối thủ cạnh tranh do đây là thị trường tiềm năng của tất cả các nước xuất khẩu. Do đó, theo các chuyên gia, để thâm nhập và chiếm lĩnh được thị trường này doanh nghiệp nhựa phải nâng cao năng lực cạnh tranh của mình, chú trọng đầu tư máy móc, thiết bị và đổi mới công nghệ; xây dựng thương hiệu, quản bá sản phẩm...

(Nguồn: moit.gov.vn)

Share it up

Most read news

ĐỂ NHẬN TIN TỨC VÀ KHUYẾN MÃI TỪ CHÚNG TÔI